chỉ mong người lâu dài

Chương 9: Giả dối
Tôn Cánh Thành đang định trở về khu đô thị mới thì mẹ Tôn cũng vừa đưa cháu đi học trở về. Mẹ Tôn xách mấy túi đồ ăn, ngồi xuống bàn ăn xoa lưng rồi bắt đầu nhặt rau.

“Con thuê cho nhà mình một người giúp việc nhé?” Tôn Cánh Thành nói.

“Thừa tiền hay gì?” Mẹ Tôn nói: “Mẹ chỉ làm chút cơm cho gia đình, mệt đến mức nào được?” Nói rồi chỉ vào ghế, “Con ngồi xuống, mẹ có chuyện muốn bàn với con.”

Tôn Cánh Thành ngồi xuống.

“Ngày xưa khi mua nhà cho ba anh em con, mẹ với ba con đã có tính toán, tự mua một căn cho mình, nghĩ rằng sau này đứa nào hiếu thuận thì cho đứa đó.” Mẹ Tôn vừa nhặt rau vừa nói: “Năm nay mẹ với ba con suy nghĩ muốn để căn nhà này cho anh cả. Con cũng biết tình hình nhà anh cả rồi đó, nhà bên vợ anh cả… thôi không nói đến, hai người công chức nuôi hai đứa con, còn dư được bao nhiêu?”

“Được, con không có ý kiến.” Tôn Cánh Thành trả lời.

“Con không có ý kiến, nhưng vợ con có ý kiến không? Mẹ với ba con cũng đã bàn bạc rất lâu. Anh hai con thì không lo, nó mạnh hơn các con nhiều, một căn nhà này nó cũng không để vào mắt. Cánh Phi cũng không phải lo, là con gái nên không thể trách ai được, hơn nữa hoàn cảnh của nó còn tốt hơn con…”

“Mẹ nói trọng điểm đi.” Tôn Cánh Thành ngắt lời.

“Nói chuyện với con mà con không vui?”

“Ba nói mẹ mẹ vui không?” Tôn Cánh Thành hỏi lại.

Mẹ Tôn đập mạnh một cái, “Con đúng là đứa bất hiếu nhất.”

“Con có thể hiếu thuận, nhưng không thể nhẫn nhịn.” Tôn Cánh Thành quay mặt đi.

“Mẹ với ba con đã bàn bạc rồi, sau này để phòng khám này cho anh cả, còn căn nhà kia để lại cho con. Cũng ở khu mới, hình như cùng khu với con thì phải? Khi đó chị con dẫn mẹ đi mua, mẹ cũng mơ hồ không phân biệt được đâu với đâu, khi đó là chỗ vắng vẻ không ai để ý, chị con nói đó là nơi có tiềm năng nhất… Giờ nhìn lại thì đúng thật, tăng giá mấy lần rồi! Căn đó còn lớn hơn nhà con, có bốn phòng ngủ lận đó!”

“Để phòng khám lại cho anh cả cũng là một sự cân nhắc, đây là khu học khu, sau này con của anh cả con đi học sẽ tiện. Nhà con với Chu Ngư là nhà ở khu học khu rồi, hơn nữa còn có vợ con, các con không lo chuyện giáo dục. Sau này mẹ sẽ nói với anh hai con, bàn bạc xong mẹ với ba con sẽ lập di chúc. Những chuyện này nên làm sớm.”

“Con không cần.” Tôn Cánh Thành từ chối thẳng thừng.

“Sao con không biết điều vậy?” Mẹ Tôn nói: “Mẹ làm vậy không phải để bảo vệ con, phòng trường hợp sau này con không thành công…”

“Mẹ, cuộc sống của con thực sự rất tốt.” Tôn Cánh Thành mệt mỏi nói: “Con không khó khăn như ba mẹ nghĩ.”

“Mẹ không thể cứ so sánh con với anh hai. Cuộc sống của anh hai con không chịu nổi, cuộc sống của con anh hai cũng không chịu nổi. Mỗi người đều có chí hướng và con đường riêng.”

“Đường của con là đường gì, đường chuột hả?” Mẹ Tôn nói.

“Mẹ, con thực sự thất bại đến vậy sao?” Tôn Cánh Thành nhìn mẹ mình.

Ánh mắt của con trai khiến bà đau lòng, nhưng cũng khiến bà tủi hờn, “Mẹ là mẹ con mẹ có thể hại con sao? Mẹ chỉ lo sau này con không thành công, có thêm căn nhà là thêm một phần đảm bảo!”

“Cho con nhà mà con còn muốn mẹ phải dùng hết lời hay ý đẹp để cầu xin con sao? Cái đạo lý gì vậy hả?! Con là đứa có phúc mà không biết hưởng, từ nhỏ đến lớn quá sung sướng, không biết trân trọng công ơn của ba mẹ…”

“Được được, con nhận, con nhận.” Tôn Cánh Thành thỏa hiệp.

Nhìn thấy anh, mẹ Tôn đã thấy bực mình, bà xách túi rau đi vào bếp để nhặt. Vừa nhặt vừa nói, “Ngày mai mẹ sẽ nói với chị con, nói với anh cả, nói với anh hai. Chẳng ai chê nhà cửa là của nợ cả. Có biết bao nhiêu người vì không mua nổi nhà mà chịu khổ rồi ly hôn…”

Tôn Cánh Thành xuống lầu, Tôn Hữu Bình đang cân thuốc Bắc, cân xong đưa cho người ta sắc. Tôn Cánh Thành không ra ngoài, mà ngồi bên bếp lửa, nhặt một cái vỏ ve sầu dưới ghế lên, thổi bụi rồi đặt lên mu bàn tay. Chơi đùa một lúc, anh để vỏ ve sầu lên mặt quầy rồi quay người ra khỏi phòng khám.

Tôn Hữu Bình nhìn thấy con trai đứng dưới gốc cây tiêu huyền bên đường, chậm rãi cân thuốc xong, ngẩng đầu lên thì con trai đã đi mất rồi. Ông nhẹ nhàng cầm vỏ ve sầu bỏ vào tủ thuốc, cởi áo blouse lên lầu, nói với mẹ Tôn: “Nó đã ba, bốn mươi tuổi rồi, đừng lúc nào cũng quản như con nít nữa.” Nói xong ông lại đi xuống lầu.

Mẹ Tôn cảm thấy khó hiểu, cũng không biết ông nói gì. Một lúc lâu sau mới nhận ra là ông trách bà quản Tôn Cánh Thành quá nhiều, theo bản năng bà định xuống lầu cãi nhau với ông, nhưng thấy có bệnh nhân nên lại rầu rĩ quay lại. Ngày trước nói bà quá nuông chiều, dạy con không nghiêm, nói bà hiền mẫu sinh ra con hư. Giờ lại trách bà quản chặt. Cái miệng của ông đúng là không lúc nào im.

Tối đến, Chu Ngư bận rộn đến quay cuồng. Tám giờ, Tôn Cánh Thành nhắn tin, “Sao vẫn chưa về?”

Chu Ngư tranh thủ trả lời: “Trực đêm, chấm bài, ra đề thi.”

Tôn Cánh Thành hỏi: “Mấy giờ xong?”

Chu Ngư trả lời: “Mười giờ, đừng nhắn nữa, em bận.”

Tôn Cánh Thành không nhắn lại nữa, quay sang hỏi mẹ vợ: “Mẹ ơi, còn cơm tối không?”

Phùng Dật Quần trả lời: “Có, qua đây ăn đi.”

Tôn Cánh Thành định lái xe đến khu nhà tập thể, nhưng nghĩ giờ này đường đông, không có chỗ đỗ, nên đành lấy chiếc xe điện trắng của Chu Ngư đi. Đến nơi, bị gió lạnh làm đông cứng người, anh mới nhận ra vì sao cô không đi xe, gió thổi ngược thực sự quá lạnh.

Tới khu nhà tập thể, người anh bị gió thổi đến tê cứng, anh xoa xoa mặt, ba bước thành hai bước lên tầng. Phùng Dật Quần bưng cho anh một tô mì trộn lá mè, trong nhà lúc nào cũng có lá mè và lá khoai lang khô, bà nội thích ăn, Tôn Cánh Thành cũng vậy.

Tôn Cánh Thành vừa ăn vừa hỏi: “Mới nấu hả mẹ?”

Phùng Dật Quần không trả lời, chỉ nói: “Trong nồi còn nhiều, ăn xong thì lấy thêm.”

“Dạ.” Tôn Cánh Thành cắm cúi ăn. Đây là lần đầu tiên anh nhận ra, mình có quá ích kỷ không? Đói thì đến, không cần biết giờ giấc hay có phiền phức cho người khác không.

Bà nội ngồi ngâm chân, hiếm khi tỉnh táo hỏi Chu Ngư đâu? Tôn Cánh Thành nói vẫn chưa tan làm. Bà nội lau chân, đi dép chậm chạp trở về phòng, một lúc sau cầm túi nhựa đưa cho anh, dặn đem về cho Chu Ngư nhưng phải lén lút, đừng để Chu Kỳ biết.

Chu Kỳ là anh trai đã mất của Chu Ngư.

Tôn Cánh Thành cất túi vào trong áo, bà nội mới ngồi lại ngâm chân xem tivi. Anh thấy buồn cho Chu Ngư, bà nội thường chỉ tỉnh táo khi cô không có mặt, những khi cô ở bên, bà lại không nhận ra cô.

Phùng Dật Quần làm xong bếp núc, ngồi xuống cạnh anh, hỏi: “Chu Ngư dạo này sao rồi? Nghe nói trường cho nó nghỉ mấy hôm.”

“Dạ đã đi dạy lại bốn ngày rồi, thứ ba tuần sau thi học kỳ.” Tôn Cánh Thành nói.

“Vậy thì tốt.” Phùng Dật Quần gật đầu. Bà ngồi rất ngay ngắn, dù ngồi ghế ăn cũng thẳng lưng, chân khép lại. Điểm này Chu Ngư rất giống bà.

Khi họ kết hôn, ai cũng khen Chu Ngư có khí chất tiểu thư, đứng có dáng đứng, ngồi có dáng ngồi, cười có dáng cười, khí chất tốt đến mức người ta quên cả nét mặt. Dù hiện tại vẫn vậy. Trong họ hàng, khi có ai muốn chọn dâu, người lớn đều lấy Chu Ngư làm chuẩn mực.

Tôn Cánh Thành thường cảm thấy cô như bị phân liệt nhân cách, ngoài mặt thế này, về nhà thế khác. Mới đầu nói cô còn giận, giờ thì da mặt đã dày hơn, đôi khi còn giống như bình mẻ chả sợ vỡ, thỉnh thoảng lại giương móng vuốt cào anh vài cái. Hơn nữa miệng lưỡi cũng sắc bén, khi tức giận thì bộc lộ ra, cắn chỗ nào là đau chỗ đó.

Tôn Cánh Thành nghĩ mà lạnh sống lưng, lại nghĩ đến vụ án mà anh cả phá, vợ đầu độc chồng rồi chặt xác, phương pháp tàn nhẫn kinh khủng… Nghĩ đến đây anh không nuốt nổi nữa, trong đầu toàn là hình ảnh Chu Ngư lạnh lùng vung dao.

Phùng Dật Quần biết anh đi xe điện, vào phòng lấy chiếc khăn len đỏ của Chu Ngư cho anh, rồi tiễn anh xuống tầng. Tôn Cánh Thành quấn kỹ khăn, giục bà, “Mẹ lên đi. Cuối tuần con với Chu Ngư đến thăm mẹ.”

“Chạy chậm thôi.”

“Dạ.”

“Nếu Chu Ngư không nấu cơm thì con đến đây.”

“Dạ.”

Tôn Cánh Thành chạy một đoạn, lại mở rộng khăn choàng ra, quấn kín đầu chỉ chừa hai mắt như gà mẹ. Đường về nhà phải qua trường của Chu Ngư, anh định canh giờ để cho cô bất ngờ.

Thật ra Chu Ngư đã nhận ra xe điện của mình, nhưng cô không muốn nhận người trên xe, giả vờ không thấy, chào đồng nghiệp rồi về nhà. Trường cách nhà có bốn, năm trăm mét, mùa đông cô đều đi bộ đi làm. Tôn Cánh Thành có phần tức giận, chạy theo sau nói: “Anh làm em mất mặt hả?”

Chu Ngư từ từ xoay người lại, kéo chiếc khăn che nửa mặt xuống, “Ủa, sao anh lại ở đây?”

“Em cứ giả vờ đi! Anh lạnh sắp chết đợi em ở đây một tiếng, em ra thấy anh lại xấu hổ!”

“Em thực sự không nhận ra anh, anh hiểu lầm rồi.”

“Hiểu lầm cái gì mà hiểu lầm!”

Chu Ngư thôi không cãi, ngồi lên yên sau, giục anh đi.

“Chột dạ rồi chứ gì? Nếu anh thực sự hiểu lầm em, em không nhảy lên cắn anh mới lạ!” Tôn Cánh Thành vẫn chưa hết giận.

“Được rồi được rồi, đừng có đắc ý. Mẹ vừa nấu gì trong bình giữ nhiệt đó?” Chu Ngư nhìn vào bình giữ nhiệt treo trên xe.

Tôn Cánh Thành không trả lời cô.

Chu Ngư ôm lấy eo anh, “Anh vừa về nhà mẹ hả?”

“Mẹ nấu cho em.” Tôn Cánh Thành nói. Nói xong anh còn phê bình cô, “Em đúng là giả dối!”

“Ừ, em giả dối, em giả dối.” Chu Ngư nhận lỗi, giục anh về nhà nhanh vì lạnh quá.

Tôn Cánh Thành bị tổn thương tinh thần liên tiếp, về đến nhà vẫn không vui.

Chu Ngư đổ mì lá mè trong bình ra, múc thêm một ít dầu ớt, rồi ngồi xuống ăn. Cô bận đến tối không có thời gian ăn cơm, chỉ ăn một thanh sô cô la.

“Ăn đi, ăn xong đừng có than đau họng.” Tôn Cánh Thành nhìn cô cho dầu ớt vào mì.

Chu Ngư nói cả một ngày, cổ họng đã khó chịu, do dự một chút thì đẩy chén mì sang một bên, múc một chén khác. Thấy vậy, Tôn Cánh Thành ngồi xuống ăn, hai người mỗi người ăn một chén, không ai nói gì.

Cả hai đều không phải người nhiều lời, đặc biệt là Chu Ngư, cô cảm thấy mọi lời nói đã cạn kiệt trong lớp học, về nhà chỉ muốn để miệng nghỉ ngơi. Tôn Cánh Thành cũng vậy, sau một ngày làm việc trong môi trường ồn ào, anh chỉ muốn yên tĩnh ở nhà.

Đây là điểm duy nhất hai người ăn ý, không ai chê đối phương ít nói.

Hai người đánh răng rửa mặt xong rồi lên giường, Tôn Cánh Thành nhớ đến túi ni lông bà nội đưa cho, đi vào phòng khách lấy ra. Trong túi có một miếng bánh táo đỏ nhỏ, trông có vẻ đã bị ép dẹp sau mấy ngày.

“Có lẽ mẹ em dẫn bà đi ăn tiệc cưới, món này chỉ có ở tiệc cưới.” Chu Ngư ăn một miếng, “Hồi nhỏ em thích ăn món này, nhưng giờ không ăn nữa.”

Hai người nằm trên giường, Chu Ngư nói: “Hồi nhỏ em ở quê với bà nội một năm, khi nào làng có đám cưới, đám tang, bà đều dẫn em đi. Thấy em thích ăn cái này, bà luôn gắp cho em mấy miếng bánh táo đỏ.”

“Sau này về thành phố, đi ăn tiệc với mẹ, thấy món tráng miệng này trên bàn, em liền gắp mấy miếng để vào chén. Về nhà mẹ mắng em rất nặng, nói đó là hành vi vô lễ.”

“Mẹ anh cũng vậy. Bà thường dùng đũa gõ vào tay chị anh.”

“Sao không gõ vào tay anh?”

“Anh có gắp đâu.” Tôn Cánh Thành nói: “Hồi nhỏ anh không quan tâm đ ến ăn uống, chỉ thích chơi piano.”

“Vậy anh ăn không khí mà lớn hả?” Chu Ngư hỏi.



“Anh không đấu khẩu với em.”

“Anh diễn đạt không rõ ràng.”

“Em là giáo viên, anh nói không lại em.” Tôn Cánh Thành đặt tay sau đầu, “Nói lại em cũng không phải điều đáng tự hào gì. Em không phải là tổng thống nước ngoài.”

“Vậy lúc cãi nhau anh đừng có cãi lại?”

“Không được, cãi nhau là chuyện khác. Thắng được em không đáng tự hào, nhưng thấy hả giận.” Tôn Cánh Thành ung dung nói.



“Người ta nói hôn nhân tốt sẽ làm cho người ta hạnh phúc, hôn nhân tồi sẽ gi ết chết con người. Gi ết chết chính mình trước khi có những kỳ vọng đẹp đẽ về tình yêu. Vì vậy mới có câu: Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu.” Chu Ngư nói: “Năm nay suýt nữa là em đã biến thành bà vợ chua ngoa rồi.”

“Điều đó không đúng.” Tôn Cánh Thành phản đối, “Tình yêu không chịu nổi sự nhạt nhẽo chỉ có thể gọi là đam mê. Tình yêu thực sự là sau khi hết đam mê vẫn có thể chịu đựng được những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày.”

“Anh nghĩ rằng trong hôn nhân, ngoài tình yêu, còn phải có đạo đức, sự đồng điệu, lòng dũng cảm, lòng nhân từ, ân tình, tình thân… Tình yêu trong thời kỳ yêu đương nồng cháy là thuần khiết và đầy đủ nhất, nhưng dần dần sẽ thay đổi giống như mặt trăng tròn rồi khuyết, những phần khuyết đó sẽ dần chuyển hóa thành đạo đức, lòng dũng cảm, lòng nhân từ, tình thân… Những cảm xúc sâu sắc khác nhau đan xen vào nhau, hòa quyện vào máu thịt, cuối cùng thành cái gọi là không rời bỏ nhau.”

Anh định nói nhiều hơn nữa, nhưng nói đến đây thì im lặng, rồi nhìn Chu Ngư, “Ngủ ngon.”

Bình Luận