nuôi dưỡng nữ phụ

Chương 1
1.

Cái thôn này thật sự rất nghèo.

Nghèo đến mức bé gái không xứng được ăn cơm, chỉ có thể gặm mấy quả dại cứng đến rụng răng, cầm bụng bằng nước lã.

Em đã loanh quanh ở đây vài ngày.

Trên gương mặt vừa đen vừa gầy ấy, đôi mắt to tròn của em lúng liếng, muốn ăn trộm.

Tôi xuyên vào quyển truyện này đã hơn một tháng, hầu như lúc nào cũng có mấy đứa bé như thế này tới nằm vùng.

Nhưng lần này, tôi lựa chọn làm ngơ.

Tôi phe phẩy quạt hương bồ ngủ gà ngủ gật, từ khe hở nhìn thấy em ấy rón ra rón rén tiến vào.

Nhanh tay trộm lấy một bao mứt vỏ quýt.

Sau đó gấp gáp chạy trốn, giữa đường còn té ngã một cái, sau đó đứng dậy cà nhắc chạy đi xa.

Em ấy đáng ra phải là tiểu công chúa cẩm y ngọc thực, là đại tiểu thư tập đoàn Thẩm thị mới đúng.

Nhưng dù tương lai có được ba mẹ ruột tìm về rồi.

Thì em cũng vẫn bị mọi người ghét bỏ vì hay gây phiền phức cho người khác.

Em ấy là đồ trà xanh, là đồ kỹ nữ tâm cơ, là đồ bạch liên hoa.

Nếu trong truyện có suy nghĩ, cảm xúc tồn tại thật, thì cô nữ phụ trong quyển truyện đạo văn này, tất cả những khuyết điểm của cô ấy đều bị phóng đại lên đến cực hạn.

Tôi ghét đạo văn, cũng ghét tâm địa độc ác sau khi lớn lên của cô ấy.

Lần đầu tiên cô bé tới trộm đồ bị tôi bắt được.

Cha em ấy ngay trước mặt tôi, bẻ gãy một ngón tay của em.

Cô bé đau đến tê tâm phế liệt, nhưng vẫn ráng bảo vệ nửa miếng bánh đậu xanh trong lòng.

Cha em thấy vậy thì lạnh lùng lấy chân dẫm nát miếng bánh.

Trước khi rời đi, tôi nhìn thấy em ấy ngơ ngác nhìn chằm chằm vụn bánh rải rác trên mặt đất.

Sau đó run rẩy cúi đầu, bốc vụn bánh lẫn cả đất cho hết vào miệng.

2.

Cảm xúc trào lên khiến tôi như tắc thở.

Làm gì có cái gì gọi là trời sinh độc ác?

Tác giả viết cho cô ấy càng tham lam, càng ngu xuẩn bao nhiêu, thì ngày tháng ở nông thôn của cô ấy sẽ càng thống khổ, càng khó sống bấy nhiêu.

Bởi vì quá khổ nên mới sinh ra ích kỉ.

Mấy từ trên giấy quá ít ỏi.

Hóa thành đời thực, tất cả đều phải có nhân thì mới có quả.

Tôi bỗng nhiên ý thức được, biến một cô bé phải sống mười bảy năm đau khổ để làm bàn đạp cho một cô bé khác trở nên hào quang tỏa sáng, logic này khiến người ta ghê tởm đến phát run.

Cho nên sau này khi em ấy lại đến ăn trộm, tôi mặc kệ.

Dù sao số lần cũng không nhiều lắm, mấy đồng tiền mà thôi.

Vốn tưởng tôi và em ấy chỉ có như vậy.

Một hôm vào buổi tối, tôi vừa định chuẩn bị đóng cửa đi ngủ thì bỗng nhiên nhìn thấy một bóng đen ở phía xa xa.

Mục tiêu rất chính xác, đi thẳng đến hòm đựng tiền.

Tôi trốn trong buồng trong, nắm chặt con d a o găm trong tay, lo lắng đến mức mồ hôi lạnh ứa ra.

Tôi là con gái, lại sống một mình, thôi thì của đi thay người vậy.

Tên trộm lấy được tiền xong thì rời đi.

Tôi đang định thở phào nhẹ nhõm - -

“A!”

Một tiếng hét lớn làm tôi sợ run tay, ngay sau đó là tiếng hét chói tai của bé gái.

Tôi vội vàng lao ra ngoài.

Dưới ánh trăng mát lạnh, người đàn ông đang túm lấy tóc bé gái, liên tục tát vào mặt nó.

Trên cánh tay m á u chảy đầm đìa có một dấu răng sâu hoắm.

Tôi nóng lên, túm lấy cái cuốc để sau cửa xông tới.

Động tĩnh kinh động tới mấy con chó trong thôn, làm cho màn đêm không còn yên tĩnh nữa.

Tên trộm bị dọa cho bỏ chạy.

Tôi bật đèn, cô bé vừa nãy còn dũng cảm đấu với tên trộm đột nhiên ngã sõng soài xuống đất.

Tôi hoảng hốt: “Em sao vậy? Bị thương ở đâu rồi?”

Tôi ôm cô bé vào phòng, cả gương mặt của em đỏ lựng, sưng tấy không còn nhìn thấy được bộ dạng ban đầu.

Nhìn đôi mắt nửa mở nửa khép của em ấy, tôi nóng nảy:

“Em tỉnh dậy đi, nói cho tôi biết em khó chịu ở đâu?”

Em yếu ớt mở mắt ra:

“Đói…”

3.

Tôi đỡ em ngồi dậy, lấy đồ ăn cho em.

Nha Nha ăn ngấu nghiến, đồ ăn nóng đến mức tôi còn không cầm được chén mà em ấy cũng không chịu dừng lại.

Ăn hết một chén cơm lớn xong, tôi lại nấu cho em hai quả trứng gà.

“Em đói bụng bao lâu rồi?”

“Gần bốn ngày…” Cô bé nhỏ giọng nói.

Tôi nhíu chặt chân mày: “Sao lại vậy?”

Chuyện là mấy hôm trước cô bé được giao chăm em trai, không cẩn thận để em trai ngã xuống sông.

Em trai thì không bị gì nhưng cô bé bị cha đánh cho một trận tơi bời.

Tôi chú ý tới đôi mắt rưng rưng của em ấy.

“Em trai của em thật sự là do ham chơi mà ngã xuống sao?”

Trần Nha Nha năm 17 tuổi trở thành Thẩm Tri Tuyết.

Bởi vì em trai trong nhà trước sau cứ hướng về thiên kim giả.

Nên cô ấy đã nói dối là do em trai uống rượu ở quầy nên mới ngã từ trên lầu xuống.

Ch ết ngay tại chỗ.

Nhưng Trần Nha Nha bảy tuổi hiển nhiên không có kỹ thuật diễn cao siêu như vậy.

Em ấy sợ tới mức bị sặc canh trứng gà, hai mắt rưng rưng:

“Em… Em không đẩy nó, chỉ là em… em…”

“Em chỉ khoanh tay đứng nhìn” Tôi tiếp lời.

Cô bé gào khóc: “Tại nó suốt ngày bắt nạt em, nó làm hư đồ cũng tại em, em ghét nó”

Tôi nghĩ tới việc sau này cô bé sẽ trở thành một kẻ độc ác ích kỷ thì lạnh cả người.

“Vậy vì sao em lại ở đây?”

Em ấy thút thít nói: “Em đói bụng quá, cho nên… Nhưng mà em thấy có, có một người đàn ông đi vào”

“Em sợ chị gặp nguy hiểm nên trốn ở cửa.”

Tôi sửng sốt: “Em sợ tôi gặp nguy hiểm?”

Em ấy một đứa bé gái thì có thể làm được gì? Những lúc như thế này không phải là nên trốn đi thật xa sao?

Cô bé đỏ mắt, nhỏ giọng nói:

“Em không muốn chị bị sao”

Thì ra em đã sớm biết tôi mặc kệ cho em đến chỗ tôi ăn cắp.

Trong lòng lại lặng lẽ ấm trở lại.

Tôi đột nhiên ý thức được, dù cho tương lai em có là ai thì bây giờ, em chỉ là Trần Nha Nha, chỉ là một cô bé 7 tuổi.

Dù cho vẫn có chút suy nghĩ xấu, nhưng em vẫn là một đứa nhỏ luôn nghĩ tới người khác.

4.

Tôi nói với cô bé, sau này nếu ba mẹ không cho em ăn cơm.

Em có thể tới chỗ tôi.

Không đợi cho cô bé kịp vui mừng, tôi đã vươn ba ngón tay ra - -

“Chúng ta hứa với nhau ba điều”

“Quan hệ của tôi và em không được nói cho người khác”

“Cơm không phải ăn miễn phí, em phải giúp tôi làm việc”

“Cuối cùng, tuyệt đối, tuyệt đối không được nói dối tôi”

Dưới ánh đèn vàng ấm áp, bé gái gầy hốc hác, tóc tai tán loạn, tay chân dơ dáy trịnh trọng gật đầu, ánh sáng trong mắt em nhảy nhót.

Nha Nha ba ngày hai bữa lại chạy tới chỗ tôi.

Việc trong tiệm của tôi hầu như bị em ấy ôm đồm hết.

Nhưng ngay vào lúc tôi dần quen với việc này thì em lại đột nhiên biến mất.

Trong lòng tôi bất an, đi tìm cô bé.

“Cô bé Nha Tử đáng thương quá, bị cha nó đập cho một trận tơi bời, chậc”

Thì ra Nha Nha đã đến tuổi đi học.

Vốn dĩ em chẳng hề biết gì về khái niệm đi học.

Nhưng do tôi rảnh rỗi kiếm cô bé kể chuyện xưa, kể về mấy chuyện thú vị hồi còn đi học, hồi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Không ngờ nha đầu này lại để bụng.

Ngay lúc tôi lo lắng không biết phải cứu cô bé thế nào thì em đã cầm một xấp tiền tới tìm tôi.

Mặt mũi em bầm dập, bộ dáng vô cùng thê thảm, vội vàng nói:

“Chúng ta đi mau đi, em có hai vạn”

“Đủ cho chị mở cửa hàng ở trong thành, em cũng sẽ được đọc sách”

“Em lấy tiền ở đâu ra?” Tôi nhìn chằm chằm cô bé, “Không được nói dối”

Ép hỏi mãi cô bé mới khai ra là ăn trộm của người ta.

“Em không biết đây là tiền thím Vương để dành cho con trai bà làm phẫu thuật sao?”

Tôi lạnh giọng mắng, cô bé bị dọa cho ngơ ngác.

Đây là lần đầu tiên tôi nặng lời với em.

Tôi như nhìn thấy bộ dáng ích kỷ dối trá của em khi trưởng thành, chỉ vì muốn cạnh tranh với nữ chính mà tự tay chặt đứt con đường sống của mình.

“Tôi đã nói với em làm sao?”

Nha Nha hoảng sợ, òa khóc: “Làm người phải quang minh lỗi lạc, làm việc phải không thẹn với lương tâm”

Những lời này, tôi thường xuyên nhắc đi nhắc lại.

Cha em là con quỷ rượu, mẹ lại nổi tiếng là người đàn bà đanh đá, mấy thằng anh trai toàn là bọn vô lại, giang hồ.

Cô bé là thứ vịt giời, là đồ ch ết tiệt.

Là nơi trút giận cho ba mẹ nó, là món đồ chơi cho mấy thằng anh của nó.

Từ nhỏ em đã phải học cách nhìn tâm trạng của người khác, bò dưới háng của mấy thằng anh, học sủa gâu gâu giống chó.

Lại lớn hơn một chút thì đã quen giả vờ giả vịt, ngoại trừ lợi ích thì không nhận thứ gì nữa.

Thế giới này chưa bao giờ dịu dàng với em.

Vì thế em cũng tự nhiên mà trở thành một nữ phụ phản diện tiêu chuẩn.

Tôi không biết tôi có thể làm được bao nhiêu.

Thế nhưng khi nhìn cô bé giống như một thứ đồ vật bị đá tới đá lui.

Tôi đều không nhịn được mà cảm thấy.

Em ấy nên mọc ra một cái gai thật nhọn, để phản lại thế giới đau khổ này.

5.

Nha Nha trả lại tiền.

Tôi có chút hối hận vì đã nặng lời với em, đang suy nghĩ phải bồi thường thế nào.

“Em xin lỗi, em sai rồi, chị đừng giận em được không?”

Cô bé rầm một tiếng quỳ xuống trước mặt tôi, giống như một con chó bị chủ nhân vứt bỏ, đỏ mắt xin tôi đừng đi.

“Em thật sự biết sai rồi, xin chị, đừng đuổi em đi”

Em ở chỗ tôi hơn nửa năm, vất vả lắm mới được một chút thịt.

Đợt này lại biến em trở về bộ dáng gầy trơ xương như trước.

Giống như thân trong bóng tối, dù em có cố gắng giãy dụa như thế nào cũng không có kết quả, chỉ có thể trầm luân theo nó.

Nhìn biểu cảm tuyệt vọng của em.

Tôi hít sâu một hơi, cuối cùng hạ quyết tâm.

Đạo văn c ứ t chó gì đó cút hết cho bà.

Tôi vươn tay về phía em —

Tôi muốn là cần câu, kéo em ra khỏi vũng bùn.

Tôi dùng tiệm bán quà vặt đổi lại quyền nuôi nấng em.

Dù sao con gái ở cái thôn này chỉ có một ý nghĩa duy nhất, đó là sau khi lớn đổi lấy tiền sính lễ.

Thủ tục làm rất nhanh, đến khi tôi xách túi lớn túi nhỏ ra khỏi thôn, Nha Nha vẫn còn chưa kịp phản ứng.

“Chúng ta, chúng ta thật sự rời đi sao?” Cô bé khó có thể tin trợn tròn mắt, “Sau này chị chính là người thân duy nhất của em?”

Tôi cười xoa mặt cô bé:

“Đừng vui mừng quá sớm, bây giờ chị không có việc làm, cũng không có một xu dính túi”

“Không sao, không sao hết” Em vội vàng nói, “Đợi em lớn thêm một chút em sẽ đi kiếm tiền, em sẽ kiếm thật nhiều, thật nhiều tiền cho chị tiêu”

Trên con đường làng bụi bặm, em ôm lấy tôi gào khóc nức nở.

6.

Tôi không có bằng cấp, chỉ có thể làm ít việc vừa nặng vừa dơ để kiếm tiền.

Tôi đưa Nha Nha đi học, sửa cho cô bé một cái tên nghe rất êm tai, Trần Niệm.

Cuối cùng tôi cũng mở được một cái quán.

Mỗi ngày cô bé sẽ dẫn bạn học tới thăm.

“Bánh bao của chị tớ siêu cấp vô địch ngon” Cô bé cười hì hì nói.

“Trần Niệm, thì ra nhà cậu nghèo vậy à?” Một bé nam ghét bỏ đánh giá cái quán ven đường của tôi, “Hèn gì giày bung keo rồi vẫn không đổi”

Tôi và Trần Niệm đồng thời sửng sốt.

Tôi nhìn xuống, quả nhiên thấy giày của em đã mòn sắp rách rồi.

Trần Niệm khó chịu đỏ bừng mặt: “Liên quan gì tới cậu? Cậu tránh ra, nơi này không chào đón cậu”

“Tôi thèm vào, ai biết ăn vào có bị tiêu chảy hay không”

Hàm răng tôi bắt đầu ngưa ngứa, Trần Niệm còn kích động hơn tôi, ném cặp đuổi theo đòi đánh người.

Đến tối, tôi thấy Trần Niệm trộm đánh giày, sau đó dán lại bằng keo 502.

Trong lòng tôi khó chịu, hôm sau liền đi mua cho em một đôi giày mới.

Nhưng em quay đi đã đem đôi giày mới đó tặng cho người khác.

“Mai là sinh nhật của bạn em, em không về ăn cơm chiều đâu”

Tôi im lặng không lên tiếng, nhìn em cẩn thận cất giày vào túi, thay bộ quần áo đẹp nhất.

Cả ngày bận bịu kiếm tiền, tôi đã xem nhẹ tâm lý tuổi dậy thì.

Nhưng nhìn thấy đôi giày mới tôi cắn răng mua cho em lại bị em dùng để lấy thể diện, trong lòng tôi vô cùng hụt hẫng.

Hôm sau, sau khi em ra ngoài tôi liền sốt.

Mơ mơ màng màng dọn quán xong, tôi thậm chí không còn sức mà bò dậy uống thuốc.

Bây giờ Trần Niệm đang làm gì nhỉ?

Nghe nói ba của bạn học đó là một nhà thầu, hẳn bây giờ em đang ở trong căn phòng xinh đẹp ấm áp, ăn bánh kem thơm ngọt, chơi đùa với bạn học.

Cơ thể càng ngày càng khó chịu, dạ dày trống rỗng.

Tôi cũng muốn ăn bánh kem, tôi gần như đã sắp quên cái hương vị ấy rồi.

Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, không biết có phải do chấp niệm sâu năng quá hay không, tôi thế mà thật sự ngửi thấy mùi bánh kem.

7.

Tôi cố gắng mở mắt, gương mặt lo lắng của Trần Niệm cứ lắc qua lắc lại.

“Chị, chị có thể cử động được không? Chúng ta đến bệnh viện nhé?”

“Sao em về rồi?”

Tôi liếc mắt nhìn đồng hồ, đang còn sớm mà.

“Em gọi điện cho chị nhưng không có ai nhận, em lo nên về”

Thấy tôi kiên trì không chịu đi bệnh viện, Trần Niệm đành phải đi tìm thuốc cho tôi.

“Chị ơi, này” Cô bé như hiến vật quý nâng miếng bánh kem đến trước mặt tôi, “Mọi người ai cũng bảo cái này ngon lắm, nhưng hơi ngọt, chị, chị ăn thử đi”

Tôi ngơ ngác nhìn miếng bánh kem.

Vẫn còn hoàn chỉnh, em một miếng cũng chưa ăn.

“Em lại nói cho chị một tin vui” Cô bé hưng phấn quơ chân múa tay, “Ba của Tiết An An đã đồng ý sau này ăn sáng ở công trường sẽ do chúng ta cung cấp, em vốn định cho chị một bất ngờ, nhưng mà không gọi được cho chị”

Em ngượng ngùng: “Tiết An An cắt cho em một miếng bánh kem để em về trước”

Cô bé cho rằng tôi cũng chưa được ăn bánh kem bao giờ.

Trước mặt bao nhiêu bạn bè, em không sợ bị cười vào mặt, đi đường chỉ lo che chở miếng bánh kem, còn mình hứng gió lạnh về nhà.

“Chị ơi, Tiết An An giúp em nói với ba cậu ấy rất nhiều”

“Chị đã nói với em, làm người thì phải biết trả ơn, cho nên em đã tặng cho cậu ấy một đôi giày mới”

Đôi giày kia trưng bày trong tủ kính mấy tháng, mỗi lần Trần Niệm đi học về ngang qua đều phải dừng lại, đứng nhìn thật lâu.

Đôi mắt tôi lập tức đỏ lựng.

Lúc nãy đầu óc mơ màng, tôi từng nghĩ mình làm vậy có đáng không.

Liệu có thể lay chuyển được vận mệnh trong sách hay không, liệu mình có biến thành Đông Quách tiên sinh hay không.

(Đông Quách tiên sinh: đại ý là cứu vật vật trả oán, cứu con sói xong nó lại muốn ăn thịt mình, nếu mà muốn đọc kĩ có thể search google nha)

Tôi nghẹn ngào, múc một miếng bánh kem thật to.

“Em đau răng, không ăn đâu” Cô bé nghiêng đầu tránh đi, lấy cái cớ vừa nghe đã biết là vừa mới nghĩ ra.

“Đau răng cũng phải chịu” Tôi đỏ mắt hung dữ với em, thô bạo thọc muỗng vào miệng em.

Em kiêu căng ngạo mạn, ích kỉ hư vinh, suốt ngày chỉ biết tranh giành, thậm chí còn hại ch ết em ruột mình, cướp đi vị hôn phu của nữ chính.

Những mô tả phóng đại trong sách lần lượt biến mất.

Chỉ còn lại miếng bánh kem trong căn phòng chưa đầy mười mét vuông này mới là thật.

Bình Luận